Nếu Tp.HCM khó làm nhà ở xã hội do quỹ đất hạn hẹp thì các thị trường tỉnh lại đang nổi lên với nhiều tiềm năng, dư địa để các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh phân khúc này.
Những năm gần đây, phân khúc nhà ở tại Tp.HCM đang dần thu hẹp do những bất cập về đầu tư, quỹ đất, cách phân bổ… khiến một số doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này không mấy mặn mà, mặc dù nhu cầu vẫn còn khá lớn. Thậm chí, không chỉ gặp vướng mắc về việc triển khai dự án, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại Tp.HCM cũng đang xin chuyển qua căn hộ thương mại
Những doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội bắt đầu tiến mạnh về tỉnh lân cận để tìm kiếm cơ hội. Các thị trường như Phan Thiết (Bình Thuận), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long An… đang trở thành mảnh đất màu mỡ của phân khúc này. Hầu hết các địa phương này đều có lợi thế rõ nét về phát triển kinh tế, khu công nghiệp cùng với việc kết nối giao thông thuận lợi với Tp.HCM. Dân số cả triệu công nhân là tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác BĐS nhà ở giá thấp.
Tại thị trường Tiền Giang, hiện nay xuất hiện một số dự án quy mô hàng trăm căn hộ nhà ở xã hội phục vụ đối tượng người thu nhập thấp. Chẳng hạn, mới đây nhất là dự án Victoria Premium tại thành phố Mỹ Tho được Sở Xây dựng Tiền Giang thông báo đủ điều kiện mua bán trong đầu quý 2/2020. Đây cũng được xem là dự án tiên phong cho phân khúc nhà ở xã hội ở thị trường này.
Cơ hội đang đến với phân khúc nhà ở xã hội
Ghi nhận cho thấy, từ giữa năm 2019 – 2020, thị trường BĐS tại thành phố Mỹ Tho nổi lên là một trong những khu vực tiềm năng, góp phần thúc đẩy đô thị hóa và phát triển kinh tế miền Tây nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đến năm 2030, thành phố Mỹ Tho sẽ hình thành 5 khu đô thị mới. Trước những tiềm năng hiện hữu cùng sự hỗ trợ của các Sở ban ngành tỉnh Tiền Giang, các công trình hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, các dự án BĐS được chú trọng phát triển đầu tư, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội.
Trong khi đó tại thị trường Bình Thuận, nhà ở xã hội cũng “trăm hoa đua nở”, đón nhu cầu lớn tại địa phương này. Chẳng hạn một số dự án nhà ở xã hội đang xuất hiện tại khu vực như nhà ở xã hội Khu Công nghiệp Hàm Kiệm I với hơn 13ha, gồm 955 căn nhà liên kế và 200 căn hộ chung cư. Hay, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định về việc giao đất cho một doanh nghiệp triển khai khu nhà xã hội Phú Thịnh tại Tp.Phan Thiết với quy mô 570 căn hộ là nhà ở xã hội, 114 căn hộ kinh doanh thương mại và các cửa hàng dịch vụ tiện ích.
Tại Long An đã có một số doanh nghiệp BĐS làm phân khúc nhà ở xã hội và thành công ở thị trường này. Chẳng hạn như, dự án chung cư khu đô thị Phúc An, hay Liên danh BCG Băng Dương đã đề xuất đầu tư dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Bến Lức với quy mô cung ứng 2.500 căn hộ cho công nhân trên địa bàn.
Theo tìm hiểu, với lợi thế các khu công nghiệp hiện hữu, lực lượng công nhân đông đang ở nhà trọ chật chội, cho nên việc các doanh nghiệp BĐS phát triển nhà ở xã hội ở thị trường này đang giải quyết thiết thực nhu cầu về nhà ở của số đông người lao động.
Cùng với đó, các khu vực như Ninh Thuận, Quảng Ngãi cũng là các địa phương đang đẩy mạnh phát triển phân khúc này đáp ứng nhu cầu nhà ở của đối tượng người lao động có thu nhập thấp, mặc dù các dự án hiện có cũng chỉ nhỏ lẻ, đếm trên đầu ngón tay.
Trước diễn biến nền kinh tế bị tác động do dịch bệnh Covid- 19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Theo Nghị quyết, để thúc đẩy nhà ở xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội
Song song đó, Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100 năm 2015 để xem xét và ban hành trong quý 4/2020. Mục tiêu rút gọn thủ tục, đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Một số dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp BĐS cũng ra đời trong bối cảnh thuận lợi này, với mục tiêu triển khai xây dựng hướng đến thúc đẩy quỹ nhà cho xã hội, từ đó khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà ở cho dân cư trên địa bàn.
Có thể nói những thông tin hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội phát triển được đưa ra gần đây được xem là tín hiệu tích cực, là “làn gió mới” thổi vào thị trường phân khúc này, làm động lực để các doanh nghiệp BĐS tập trung để phát triển phân khúc cho đối tượng thu nhập trung bình, thấp.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 440.000 căn hộ, riêng Tp.HCM cần khoảng 134.000 căn. Dự kiến đến năm 2020, TP có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên, mục tiêu này đang khó thành hiện thực khi hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại Tp.HCM gặp vướng mắc về pháp lý hoặc xin chuyển đổi qua căn hộ thương mại. Điều này khiến người dân khó mua nhà ở xã hội. Sự dịch chuyển về tỉnh lân cận để đón đầu cơ hội của doanh nghiệp BĐS được xem là giải pháp linh hoạt trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Theo các chuyên gia trong ngành, cơ chế chính sách về các dự án nhà ở xã hội hiện đang được hỗ trợ, tháo gỡ rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các dự án triển khai thành công đối loại hình nhà ở xã hội cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều đó có nghĩa là sự lựa chọn của người mua cũng chưa đa dạng đối với phân khúc này.
Theo CafeF