Tiền Giang là một trong những tỉnh của ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ liên tục trong nhiều năm, đang trên đà phát triển thành địa phương có kinh tế-xã hội ổn định, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Tạo sức bật cho đời sống văn minh đô thị

Trong giai đoạn từ 2006-2020, tỉnh Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt tới 12,5%. Theo thống kê tỉnh, GDP bình quân đầu người năm 2010 của Tiền Giang đạt 1.025 – 1.080 USD (giá thực tế), tăng 3,4 lần so năm 2000, đến năm 2020 đạt khoảng 4.050 USD/người.

Với mức thu nhập này, người dân địa phương tỉnh Tiền Giang có điều kiện để mong muốn được thụ hưởng, sinh sống ở một không gian sống và môi trường đô thị cung cấp cho họ nhiều tiện ích hơn, hiện đại hơn. Bản thân người dân cũng sẵn sàng chi trả, đóng góp tốt hơn cho đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Để đạt được GDP cao cũng như cải thiện mức tăng thu nhập bình quân của người dân, Tiền Giang từ lâu đã có những chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, theo hướng nâng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Cũng theo số liệu thống kê của địa phương, đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đạt 33 – 34%, Thương mại – Dịch vụ đạt 32 – 33% và tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn 33 – 35% trong GDP; đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đạt 48,5%, thương mại – dịch vụ đạt 36,5%, nông, lâm, ngư nghiệp đạt 15,0%.

Như vậy, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh, công nghiệp-xây dựng đang là khu vực trọng tâm ưu tiên, thể hiện đúng định hướng “ưu tiên 1” tới 2020 là đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của địa phương. Ưu tiên này cũng sẽ mang lại thu nhập tốt hơn nữa cho người dân trên địa bàn.

Tiền Giang: Xây dựng diện mạo văn minh đô thị, nâng cao mức sống người dân

Phối cảnh mặt chính khu Thương mại dịch vụ được xây dựng tại Tiền Giang

Định hướng tổng thể đã được tỉnh chủ trương và cơ quan ban ngành địa phương rốt ráo quán triệt, thực thi xuyên suốt trong những năm qua. Điển hình hành động lớn là tỉnh cũng thực thi mở rộng xã hội hóa các hạng mục đầu tư hạ tầng, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư các dự án theo danh mục được phê duyệt, góp phần xây dựng diện mạo đô thị mới, văn minh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thay da đổi thịt từng ngày

Về Tiền Giang hôm nay, nhiều người đều cảm nhận sự thay da đổi thịt với tốc độ cao của tỉnh trên mỗi thước đất, trên mỗi khuôn mặt người dân thấm đẫm vị phù sa sông Tiền hồn hậu. Công tác lập quy hoạch và chỉnh trang đô thị có chủ động, bài bản, theo định hướng và tuân thủ quy định pháp luật của tỉnh từ năm 2010 cho đến nay, đã vững vàng đặt nền móng để các giai đoạn thực thi, đặc biệt cho việc TP. Mỹ Tho được phát triển xứng tầm đô thị loại 1.

Nhiều người dân địa phương cho biết với chủ trương phê duyệt kêu gọi đầu tư dự án khu dân cư  dọc sông Tiền (giai đoạn 1) – trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân TP. Mỹ Tho, họ (người dân Tiền Giang-PV) đang kỳ vọng một đô thị thông minh,  một không gian sống an cư ngay bên bờ sông Tiền lộng gió.

Họ mong chờ và khát khao, là bởi đã quá lâu rồi trước khi dự án khu dân cư dọc sông Tiền đang bắt đầu gieo hy vọng đổi thay, thì người dân đã phải quen hiện trạng khu vực đất bãi bồi ven sông, xen kẹt lẫn khu dân cư, nhiều điểm xây dựng lộn xộn, sử dụng đất không đúng mục đích. Khu vực không có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng cảnh quan và môi trường đô thị trên đoạn bờ sông Tiền khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho.

căn hộ chung cư

Dự án Lotus Plaza tọa lạc vị trí TTTP Mỹ Tho

Dân không an cư thì sao có thể lạc nghiệp? Lãnh đạo tỉnh không quyết tâm thu hút nhà đầu tư về “lột xác” vùng phi quy hoạch này thành khu dân cư hoàn toàn mới, hiện đại, thì người dân sao có thể “mơ” về việc thay đổi môi trường sống và được sống văn minh ngay giữa lòng trung tâm Thành phố?

Cùng với dự án khu dân cư dọc sông Tiền, với việc chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, người dân Tiền Giang còn hy vọng hơn về đô thị Mỹ Tho trong tương lai, khi được mở rộng về hướng Tây và hướng Bắc, đồng thời với việc phát triển thêm 4 khu đô thị mở rộng. Theo đó, cư dân TP.Mỹ Tho, người dân Tiền Giang sau 2020 sẽ thực sự làm chủ không gian sống hiện đại, với các khu dân cư nhà vườn, khu dân cư công nghiệp, trung tâm thương mại và trung tâm hành chính mới. Tất cả đã trong tâm thế sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc mới của Tiền Giang, tiếp tục khẳng định vị thế tỉnh nhà và nỗ lực đổi thay vì chất lượng sống của người dân địa phương.

Tiền Giang là một trong những tỉnh của ĐBSCL có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị khá mạnh mẽ. Thời gian qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh. Khi dự án khu dân cư dọc sông Tiền hoàn thiện sẽ góp phần thiết thực, nâng cao hiệu quả trong công tác vận động người dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từng bước hình thành lối sống đô thị văn minh.

Nguồn: Công lý