Cùng với quy hoạch đồng bộ về hạ tầng và chính sách mở cửa thu hút đầu tư ấn tượng, Tây Nam Bộ đã chính thức trở thành điểm đến mới trong cuộc đua của các “ông lớn” địa ốc nhằm tận dụng thời điểm giá tốt, đất “sạch” và dư địa phát triển dồi dào.
Thiên thời – địa lợi – nhân hòa
Miền Tây Nam Bộ bao gồm 13 tỉnh – thành, là một bộ phận thuộc châu thổ sông Mê Kông. Đây là lợi thế rất lớn để Tây Nam Bộ có thể cùng lúc khai thác nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước; biển đảo; nông nghiệp cộng đồng, du lịch tâm linh…
Trước tiềm năng vốn có, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước tạo nên kết quả ấn tượng của năm 2018 khi ghi nhận sự bứt phá về lượng du khách tham quan nơi đây, với những điểm sáng như An Giang (8,5 triệu lượt), Cần Thơ (hơn 8,4 triệu lượt), Kiên Giang (7,7 triệu lượt), Đồng Tháp (3,6 triệu lượt). Những con số này thậm chí còn vượt trội so với một số tỉnh có du lịch phát triển bậc nhất cả nước như Đà Nẵng (7,6 triệu lượt), Khánh Hòa (6,3 triệu lượt), Quảng Nam (6,5 triệu lượt)…
Văn hóa sông nước tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cho Tây Nam Bộ
Bên cạnh đó, Tây Nam Bộ cũng được tập trung đầu tư phát triển hạ tầng với loạt công trình giao thông được cải tạo và xây mới, góp phần tạo ra kết nối thuận lợi giữa các tỉnh thành trong nội vùng cũng như với các khu vực khác trên cả nước.
Đơn cử như sự xuất hiện của hàng loạt cây cầu khơi thông kinh tế cho các tỉnh như cầu: Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hàm Luông… Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; tàu sắt cao tốc TP HCM – Cần Thơ sắp khởi công; nâng cấp quốc lộ Nam Sông Hậu… cùng sự mở rộng sân bay, bến cảng đã từng bước thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây.
Từ những chuyển biến tích cực về lượng khách tham quan và giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Theo đà tăng trưởng này, nhu cầu về bất động sản phục vụ cho cư trú, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí của người dân cũng gia tăng cả về lượng và chất.
Đáng chú ý, Tây Nam Bộ còn là vùng có điểm số trung bình PCI cao nhất cả nước liên tục từ năm 2014 trở lại đây. Thậm chí, so với “hàng xóm” Đông Nam Bộ, nơi có FDI cao và thị trường bất động sản sôi động bậc nhất cả nước thì Tây Nam Bộ cũng vượt trội về thứ hạng cạnh tranh. Cụ thể, năm 2018, trong khi Tây Nam Bộ có 3 tỉnh nằm trong top 5 PCI cả nước là Đồng Tháp, Long An và Bến Tre thì Đông Nam Bộ chỉ có duy nhất Bình Dương đứng thứ 6.
Nhờ sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố này, cùng với quỹ đất “sạch” còn khá lớn và mặt bằng giá thấp, Tây Nam Bộ đã trở thành một vùng đất đầy sức hút với các nhà phát triển địa ốc.
Dồn dập sóng đầu tư
Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ được “kích hoạt” từ khoảng năm 2014 với một số dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (Kiên Giang), sau đó, làn sóng đầu tư bắt đầu lan sang các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…
Đặc biệt, từ 2018 đến nay, Tây Nam Bộ đã đón nhận sự góp mặt của hầu hết “ông lớn” ngành địa ốc như Ceo Group, Sun Group, FLC Group, Văn Phú Invest, Nam Long, LDG Group, T&T Group… với loạt dự án ở các phân khúc khác nhau. Đi cùng với đó là không khí giao dịch sôi động và sự gia tăng ấn tượng của giá đất trên hầu hết các tỉnh thành.
Như tại Cần Thơ thời gian gần đây, nhu cầu tìm kiếm đất nền dự án và nhà phố của nhà đầu tư đã đẩy giá nhà đất tăng vọt. Điển hình quận Ninh Kiều, giá đất từ vài trăm triệu đồng những năm trước, nay tăng vọt lên 2 – 4 tỷ đồng/nền. Hay như khu vực Nam Cần Thơ, từ một khu vực kém sôi động đã tăng tới 1,5 – 3 tỷ đồng/nền trở lên. Thậm chí ngay cả đất ở khu vực vùng ven cũng liên tục thăng hạng.
Theo các chuyên gia, nhu cầu bất động sản tại Cần Thơ là nhu cầu thực bởi đây là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và xã hội cao, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, quy mô dân số không ngừng gia tăng…
Tại Kiên Giang, sau giai đoạn sôi động của thị trường Phú Quốc, làn sóng đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Hà Tiên, Rạch Giá. Gần đây, giá đất ở, khai thác dịch vụ hay trung tâm thương mại thành phố Hà Tiên đều có đà tăng đáng kể khi đất nền tại một số phường đã tăng từ 5 – 7 triệu đồng/m2 lên đến 7,5 – 12,5 triệu đồng /m2 chỉ sau vài tháng.
TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đang đón nhận dòng tiền đầu tư lớn tại Tây Nam Bộ
Hay như Đồng Tháp, bất động sản cũng tăng mạnh sau sự xuất hiện của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trước đó là Vincom Plaza Cao Lãnh của Vingroup và gần đây nhất là khu đô thị FLC La Vista Sadec của Tập đoàn FLC với quy mô 15ha, định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam Bộ.
Được biết, đây là bước tiến đầu tiên của Tập đoàn FLC ở thị trường miền Nam. Theo đại diện Tập đoàn FLC, sắp tới, Tập đoàn này sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư và xúc tiến triển khai nhiều dự án khác tại Đồng Tháp và một số tỉnh thành Tây Nam Bộ. Đơn cử như quần thể nghỉ dưỡng và giải trí đẳng cấp quốc tế với quy mô gần 1.300 ha tại TP Cần Thơ là một ví dụ điển hình.
Sự góp mặt của các nhà đầu tư chiến lược cũng như các dự án hạ tầng trọng điểm này đã và đang biến Tây Nam Bộ trở thành “miền đất hứa” với thị trường địa ốc trong tương lai gần.
Hà Nhung
(Người lao động)