Khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nổi lên như điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc

Theo các chuyên gia kinh tế, để chọn lọc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, các bộ – ngành cần sớm có chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50.

Nhiều tập đoàn lớn dịch chuyển sang Việt Nam

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng năm nay đạt 13,1 tỉ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI giải ngân ước tính đạt 12 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khu Công nghệ cao TP HCM đang thu hút nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đáng lưu ý, trong 8 tháng qua có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn lên tới 9,51 tỉ USD, tăng 80% so với cùng kỳ. Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,87 tỉ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc; Nhật Bản; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc)…

Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ năm 2018, xu hướng bảo hộ, căng thẳng thương mại khiến dòng vốn đầu tư trên thế giới có sự biến động mạnh, không chỉ giảm về giá trị mà còn có sự dịch chuyển mạnh giữa các khu vực và quốc gia. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nổi lên như điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá dưới tác động của thương chiến Mỹ – Trung, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc, Hồng Kông sang ASEAN và Việt Nam đã xuất hiện, trong đó Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực. Căng thẳng từ thương chiến khiến các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm một địa chỉ đầu tư sản xuất (định hướng xuất khẩu) ổn định, ít rủi ro hơn và có thể tránh được việc áp thuế của Mỹ.

Mới đây, trong báo cáo chuyên đề nghiên cứu về bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã và đang hướng các tập đoàn, công ty đa dạng hóa quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy. Trong đó, Việt Nam là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn nhờ đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới…

Savills Việt Nam ghi nhận có nhiều tập đoàn di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, như: Hanwha, Foxcom, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera, Oasis… Các tập đoàn này hoạt động chủ yếu các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, sản xuất phụ tùng.

Tăng cường sàng lọc dự án FDI

“Dòng vốn FDI từ Trung Quốc (gồm Hồng Kông) trong 8 tháng qua chủ yếu mua cổ phần từ các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chiến lược của các nhà đầu tư nước này muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt, tận dụng cơ sở sản xuất sẵn có và thị trường tiêu thụ ổn định. Điều này giúp các nhà đầu tư FDI tránh rủi ro, giảm chi phí đầu tư ban đầu nhưng có thể dẫn tới việc ngày càng nhiều doanh nghiệp của Việt Nam nhưng lại thuộc quyền chi phối, điều hành của nước ngoài” – TS Cấn Văn Lực phân tích.

Quy mô của đa số dự án FDI vẫn còn ở mức thấp dưới 5 triệu USD/dự án từ năm 2015 đến nay. Dù những năm qua, đã xuất hiện nhiều dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD nhưng chủ yếu vẫn là các dự án có quy mô từ 1-10 triệu USD, kéo theo tình trạng hầu hết dự án FDI sử dụng công nghệ thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phổ thông, không đem lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thậm chí tạo thêm sức ép với hàng nội địa. Điều này cũng gây lên sự lo ngại về khả năng các dự án có hàm lượng công nghệ thấp, đầu tư tại Việt Nam với mục đích gia công, lắp ráp để lách thuế, chuyển giá…

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế (nhất là môi trường đầu tư kinh doanh)… nhằm đón nhận, tận dụng có hiệu quả từ hiệu ứng của sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt, cần sớm có chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50; tăng cường công tác thanh kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm sàng lọc dự án có công nghệ lạc hậu, núp bóng để chuyển giá, lách thuế…

Đặc biệt, TS Cấn Văn Lực lưu ý đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc, cần lựa chọn đối tác và hình thức phù hợp, phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc với đối tác để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, giúp giảm thiểu hệ lụy, gây lãng phí nguồn lực tài chính…

LINH ANH

(Báo Người lao động)